Sự thành lập Khối Đông Âu Chiến_tranh_Lạnh_(1947-1953)

Bài chi tiết: Khối Đông Âu

Trong Thế chiến II, Liên xô đã sáp nhập nhiều quốc gia trở thành các nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết bên trong Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết. Hầu hết các lãnh thổ đó đã được nhượng lại cho họ theo phần thoả thuận bí mật của Hiệp ước Molotov-Ribbentrop với Phát xít Đức.[1][2] Các lãnh thổ bị sáp nhập gồm Đông Ba Lan (được gộp vào trong hai nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết khác nhau)[3], Latvia (trở thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Latvia)[4][4][5], Estonia (trở thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Estonia)[4][5], Litva (trở thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Litva)[4][5], một phần đông Phần Lan (trở thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Karelia-Phần Lan)[6] và bắc România (trở thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Moldavia).[7][8]

Nhiều quốc gia khác họ đã chiếm đóng nhưng không được sáp nhập trực tiếp vào trong Liên bang Xô viết trở thành các quốc gia vệ tinh của Liên xô. Tại Đông Đức sau những thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương, các đảng chính trị bị buộc phải sáp nhập vào trong Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất (SED), sau cuộc bầu cử năm 1946 các phái đối lập chính trị đã bị đàn áp.[9] Trong phần còn lại của Ba Lan không bị sáp nhập trực tiếp vào Liên xô, sau thất bại của một cuộc trưng cầu dân ý về các chính sách được gọi là "3 lần CÓ" (3 razy TAK; 3xTAK), theo đó chưa tới một phần ba dân số Ba Lan bỏ phiếu ủng hộ những đề xuất thay đổi gồm cả một cuộc cải cách ruộng đất cộng sản trên diện rộng và quốc hữu hoá ngành công nghiệp[10], một cuộc bầu cử gian lận thứ hai được tổ chức để có được kết quả như mong muốn.[11][12][13] Cuộc Bầu cử gian lận Ba Lan được tổ chức vào tháng 1 năm 1947 với kết quả là Ba Lan chính thức chuyển thành Cộng hòa Nhân dân Ba Lan.

Tại Hungary, khi người Liên xô dựng lên một chính phủ cộng sản, Mátyás Rákosi được chỉ định làm Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Hungary[14], và khởi đầu một trong những chế độ độc tài cứng rắn nhất ở châu Âu[15][16] dưới chế độ Cộng hòa Nhân dân Hungary. Tại Bulgaria, về cuối Thế chiến II, Liên xô đã vượt biên giới và thiết lập những điều kiện cho một cuộc đảo chính vào đêm hôm sau.[17] Chỉ huy quân đội Liên xô tại Sofia đã nắm quyền lực tối cao, và những người cộng sản được ông ra lệnh, gồm cả Kimon Georgiev, đã nắm toàn quyền điều khiển chính trị trong nước[17] tại Cộng hòa Nhân dân Bulgaria.

Với sự hỗ trợ của Liên xô, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc lên nắm quyền quản lý chính phủ Tiệp Khắc sau cuộc Đảo chính Tiệp Khắc năm 1948, dẫn tới một chế độ độc tài.[18][19][20] Trong cuộc tổng tuyển cử Romania năm 1946, Đảng Cộng sản Romania (PCR) đã sử dụng những chiến dịch đe doạ trên diện rộng và gian lận bầu cử để có được 80% phiếu, và sau đó, loại bỏ vai trò của các đảng trung dung và buộc họ phải sáp nhập, kết quả là tới năm 1948, hầu hết các chính trị gia không cộng sản hoặc đã bị hành quyết, hoặc đã bị trục xuất hay bỏ tù. Trong cuộc bầu cử tại Albania vào tháng 12 năm 1945, lựa chọn duy nhất là Mặt trận Dân chủ (Albania) cộng sản, do Enver Hoxha lãnh đạo.[21][21] Năm 1946, Albania tuyên bố trở thành Cộng hòa Nhân dân Albania.

Ban đầu, Stalin lãnh đạo các hệ thống tại các quốc gia thuộc Khối Đông Âu từ chối các đặc điểm định chế như kinh tế thị trường, chính phủ dân chủ (bị gọi là "dân chủ tư sản" theo cách nói của Liên xô) và tính pháp trị không có sự can thiệp của nhà nước của phương Tây.[22] Về kinh tế họ phụ thuộc vào Liên xô trong nhiều loại vật liệu quan trọng.[23] Trong khi trong năm năm đầu tiên sau Thế chiến II, cuộc di cư hàng loạt từ các nước này tới phương Tây diễn ra, những giới hạn được áp dụng sau đó đã ngăn cản hầu hết sự di cư Đông-Tây, ngoại trừ sự di cư hạn chế theo các thoả thuận song phương và các thoả thuận khác.[24]